NỘI DUNG CHƯƠNG VI: BẤT BÌNH ĐẲNG VÀ PHÂN TẦNG XÃ HỘI
I. Bất bình đẳng xã hội
1. Khi niệm bất bình đẳng.
2. Cơ sở tạo nên sự bất bình đẳng.
3. Một số chỉ báo về sự bất bình đẳng ở Việt Nam
II. Phân tầng xã hội
1. Khái niệm phân tầng xã hội
2. Nguyên nhân của hiện tượng phân tầng.
3. Hệ thống phân tầng xã hội.
4. So sánh phân tầng xã hội với 1 số khái niệm khác.
5 . Một số cách giải thích khác nhau về phân tầng xã hội.
• Lý thuyết chức năng.
• Lý thuyết xung đột.
• Lý thuyết dung hoà.
6. Di động xã hội
• Khi niệm
• Phn loại di động xã hội
• Một số yếu tố tác động đến di động xã hội
III. Câu hỏi và tài liệu tham khảo
CHƯƠNG VII: BẤT BÌNH ĐẲNG VÀ PHÂN TẦNG XÃ HỘI.
I. Bất bình đẳng xã hội:
1. Khái niệm bất bình đẳng:
Trước hết, bất bình đẳng là một vấn đề trung tâm của xã hội học, nó là cơ sở tạo nên sự phân tầng xã hội. Bất bình đẳng không phải là hiện tượng tồn tại một cách ngẫu nhiên giữa các cá nhân mà nó xuất hiện khi có một nhóm xã hội kiểm soát và khai thác các nhóm xã hội khác.
Khái niệm bất bình đẳng: bất bình đẳng là sự không ngang bằng nhau về các cơ hội hoặc lợi ích đối với những cá nhân khác nhau trong một nhóm hoặc nhiều nhóm.
Bất bình đẳng xã hội gồm 2 loại:
• Bất bình đẳng mang tính tự nhiên: đó là sự khác biệt giữa các cá nhân về các đặc điểm sẵn có như: giới, tuổi, chủng tộc, trí lực, phẩm chất sẵn có…
• Bất bình đẳng mang tính xã hội: Đó là sự phân công xã hội -> cá nhân phân tầng-> lợi ích khác nhau giữa các cá nhân.
Nhìn trên quan điểm của các nhà xã hội học ngiên cứu về cơ cấu xã hội thì:
• Bất bình đẳng được xem như là điều kiện để tổ chức xã hội.
• Bất bình đẳng là cơ sở cho việc điều chỉnh các quan hệ xã hội.
• Bất bình đẳng đảm bảo cho đời sống và phát triển xã hội.
2. Cơ sở tạo nên sự bất bình đẳng:
- Bất bình đẳng thường xuyên tồn tại với những nguyên nhân và kết quả cụ thể liên quan đến giai cấp xã hội, giới tính, chủng tộc, tôn giáo, lãnh thổ..
- Tất cả các nguyên nhân đa dạng của bất bình đẳng được quy về 3 dạng: những cơ hội trong cuộc sống, địa vị xã hội, ảnh hưởng chính trị.
+ Những cơ hội trong cuộc sống: Gồm tất cả thuận lợi về vật chất có thể cải thiện chất lượng cuộc sống. Thuận lợi vật chất: của cải, thu nhập, tài sản và những điều kiện như lợi ích chăm sóc sức khoẻ, an sinh xã hội… Cơ hội trong cuộc sống là cơ sở khách quan của bất bình đẳng xã hội.
+ Cơ sở địa vị xã hội: Bất bình đẳng về địa vị xã hội là do những thành viên của các nhóm trong xã hội tạo nên và thừa nhận chúng. Cơ sở địa vị ở đây có thể là bất cứ cái gì mà một nhóm xã hội cho là ưu việt và được nhóm xã hội khác thừa nhận.
+ Bất bình đẳng trong ảnh hưởng chính trị: có được do có ưu thế vật chất hoặc địa vị cao. Thực tế, bản thân chức vụ chính trị là cơ sở đạt được địa vị và những cơ hội trong cuộc sống. Như vậy, có thể nói gốc rễ của sự bất bình đẳng nằm trong mối quan hệ kinh tế, địa vị xã hội và quan hệ chính trị.
Sự bất bình đẳng thể hiện qua mô hình phân tầng xã hội của xã hội tư bản Phương Tây ở thếkỷ XIX qua sự phối hợp phân tích của K.Marx và M.Web
Giai cấp lớp trên
Chủ sở hữu các phương tiện sản xuất
Rất lợi thế nhờ có của
Giai cấp trung lưu không làm chủ của cải.
Có cơ may đời sống nhờ khả năng thị trường từ các kỹ năng- không chân tay.
Giai cấp công nhân
Không sở hữu của cái.
Cơ may đời sống bất lợi do khả năng
thị trường từ các kỹ năng chân tay.
Lớp nghèo
Hết sức bất lợi trong cơ may đời sống do địa vị yếu kém hay bên lề trong thị trường lao động
( Trích Nhập môn Xã hội học- TonyBilton và những người khác – Nxb Khoa học xã hội- năm 1993.)
II. Phân tầng xã hội:
1.Khái niệm phân tầng xã hội:
Muốn hiểu khái niệm phân tầng, trước hết cần hiểu khái niệm tầng xã hội:
Tầng xã hội ( stratum of society):
Là tổng thể các cá nhân tạo thành một tập hợp có cùng hoàn cảnh xã hội, ngang nhau về tài sản (địa vị kinh tế), quyền lực (địa vị chính trị), và uy tín (địa vị xã hội) về khả năng thăng tiến xã hội cùng có được cơ may, ân huệ hay thứ bậc xã hội.
Khái niệm phân tầng xã hội: ( social stratification)
Phân tầng xã hội là sự bất bình đẳng mang tính cơ cấu của xã hội loài người (trừ xã hội sơ khai). Đó là sự phân chia xã hội thành các tầng xã hội khác nhau về địa vị chính trị, kinh tế và xã hội, cũng như những sự khác nhau về trình độ học vấn, nghề nghiệp, phong cách sinh hoạt, kiểu ăn mặc, nơi cư trú, thị hiếu nghệ thuật, mức độ tiêu dùng…
Từ định nghĩa trên chúng ta có thể hiểu phân tầng xã hội theo ba đặc trưng:
Thứ nhất: phân tầng xã hội là sự phân hoá các cá nhân thành những tầng lớp, thứ bậc khác nhau trong cơ cấu xã hội (phân chia thành lớp trên, dưới).
Thứ hai: phân tầng xã hội luôn gắn với bất bình đẳng xã hội và phân công lao động.
Thứ ba: phân tầng xã hội được lưu truyền qua thế hệ và có sự thay đổi nhất định.
2. Nguyên nhân của hiện tượng phân tầng:
Nghiên cứu xã hội học cần phải trả lời các câu hỏi:
-> Vì sao có hiện tượng phân tầng?
-> Nó xuất hiện khi nào?
-> Nguồn gốc, nguyên nhân của nó?
-> Phân tầng xã hội có phải là một hiện tượng tự nhiên, tất yếu, lâu dài hay không hay chỉ là sản phẩm của thời kỳ lịch sử nhất định, của một số kiểu tổ chức xã hội nhất đinh?
-> Phân tầng xã hội để lại hậu quả gì cho con người và xã hội?
-> Chúng ta cần có thái độ như thế nào đối với hiện tượng phân tầng?
Có thể xác định hiện tượng phân tầng qua hai nguyên nhân:
Thứ nhất: đó là do sự bất bình đẳng mang tính cơ cấu của tất cả các chế độ xã hội (trừ giai đoạn đầu của thời kỳ nguyên thuỷ). Thực tế, mỗi con người trong mỗi một xã hội, luôn có sự khác biệt về thể chất, trí tuệ (có người khoẻ, yếu, thông minh, kém cỏi, người gặp những cơ may thăng tiến, người chịu rủi ro, thiệt thòi…). Chính sự khác biệt một cách tự nhiên, khách quan này tạo ra những khả năng chiếm giữ các địa vị xã hội cao thấp, khác nhau.
Thứ hai: do sự phân công lao động: Đưa đến sự khác nhau về nghề nghiệp, thu nhập, các điều kiện làm việc, đó cũng là những yếu tố tạo nên sự khác nhau về địa vị xã hội.
Ngoài ra, còn có những yếu tố chủ quan cá nhân tác động vào qúa trình phân tầng xã hội. Ví dụ: trong xã hội cực quyền, sự lạm dụng và thao túng quyền lực của các lãnh chúa (xã hội cũ) và giáo hội cũng tạo ra sự phân tầng hoặc làm gay gắt hơn, làm biến dạng những trật tự vốn có trong xã hội.
Có thể nói, phân tầng xã hội là một hiện tượng tự nhiên, phổ biến, khách quan. Tuy nhiên mức độ phân tầng khác nhau trong những xã hội khác nhau, vào những thời kỳ khác nhau.
Khi xét đến hậu quả của phân tầng ta có thể phân chia phân tầng thành hai loại: phân tầng xã hội hợp thức, phân tầng xã hội không hợp thức.
Phân tầng xã hội hợp thức: dựa trên cơ sở đạo đức, tài năng, mức độ đóng góp trong thức tế cho xã hội. Sự phân tầng này đưa đến công bằng xã hội, là động lực thúc đẩy sự phát triển của xa hội, góp phần tạo nên trật tự và ổn định xã hội. Do đó, ta thừa nhận sự tồn tại và thiết chế hoá sự phân tầng hợp thức.
Phân tầng xã hội không hợp thức: dựa trên cơ sở sự tham nhũng, làm ăn phi pháp, lười biếng, thủ đoạn, trộm cướp. Nó đưa đến bất công xã hội, kìm hãm, cản trở sự phát triển xã hội, tạo ra sự bất bình đẳng xã hội, đưa đến xung đột, mâu thuẫn và mất ổn định xã hội. Chúng ta không chấp nhận sự tồn tại của hiện tượng phân tầng này, kiên quyết phê phán, kiểm soát, quản lý, trừng phạt và xoá bỏ chúng.
3. Hệ thống phân tầng xã hội:
Phân tầng xã hội theo tuổi: là hiện tượng phổ biến trong xã hội cộng sản nguyên thuỷ (thời kỳ tiền giai cấp).
Đến xã hội có giai cấp, vẫn tiếp tục có sự bất bình đẳng về lứa tuổi. Lứa tuổi thể hiện sự khác nhau về uy tín xã hội và kinh nghiệm. Người cao tuổi có quyền dạy bảo người ít tuổi hơn (chứ không có sự ngược lại). Trong xã hội truyền thống (dựa trên kinh tế nông nghiệp với các công xã nông thôn), quyền lực của các công lão được coi là chuẩn mực. Ở xã hội hiện đại “sống lâu lên lão làng” không còn là con đường thăng tiến địa vị xã hội chủ yếu nữa nhưng vẫn là dấu ấn đậm nét trong nhiều sinh hoạt cộng đồng khác nhau.
Phân tầng đóng: Tồn tại trong xã hội có sự phân chia đẳng cấp. Ở chế độ này con người rất khó có thể thay đổi địa vị của mình. Vị thế của họ được ấn định bởi dòng dõi, nguồn gốc của cha mẹ, hầu như là bất biến nếu không có những biến động xã hội lớn lao.
Quan hệ hôn nhân mang tính “ nội giao”, cấm sự kết hôn giữa những người thuộc đẳng cấp khác. Sự cấm đoán này diễn ra hết sức nghiêm ngặt, nếu vi phạm điều này có thể bị trừng phạt rất nặng nề.
Hệ thống phân tầng đóng kìm hãm, níu kéo sự phát triển của xã hội. Hiện nay vết tích của hệ thống phân tầng đóng vẫn còn ở một số vùng như Bắc Phi, Trung Đông và Châu Á. (vào năm 1981 vẫn còn hơn 1 triệu người sống trong cảnh nô lệ).
Phân tầng mở:
Đó là hệ thống phân tầng trong xã hội có giai cấp. Địa vị cá nhân thường phụ thuộc trực tiếp vào nghề nghiệp và thu nhập của họ. Vị thế con người có được phần lớn là do chủ quan đạt được) chứ không phải là vị thế sẵn có. (Ở đây đưa ra 1 ví dụ về hệ thống phân tầng của một tác giả nước ngoài).
Phân tầng dựa theo trình độ phát triển xã hội gồm có:
Phân tầng xã hội hình chóp: Phản ánh xã hội có sự bất bình đẳng ở mức cao, dù cho kinh tế rất phát triển hay lạc hậu ( Hoa Kỳ ).
Phân tầng xã hội hình thoi: Hai nhóm xã hội giàu và nghèo đều chiếm tỷ lệ nhỏ, nhóm trung lưu ở giữa chiếm đại đa số (Nhật Bản). Tuy vậy khoảng cách giũa giàu và nghèo còn rất cao, điều đó cho thấy sự bất bình đẳng còn lớn.
Phân tầng xã hội hình quả trứng: Trung lưu chiếm đa số, bất bình đẳng vẫn còn cao song không còn những người quá nghèo hoặc tình trạng một số ít nắm tuyệt đại bộ phận tài sản của xã hội. (Các nước Bắc Au)
Phân tầng hình giọt nước: Khoảng cách giàu nghèo vẫn còn nhưng không đáng kể. Đại bộ phận nhân dân có mức sống trung bình và khá (Các nước Đông âu cũ).
4. Phân biệt phân tầng xã hội với các khái niệm khác:
Phân tầng xã hội với phân chia giai cấp.
Theo cách hiểu chung nhất, giai cấp là một nhóm xã hội tập hợp những người giống nhau về vị thế kinh tế (tài sản), vị thế chính trị (quyền lực) và vị thế xã hội (địa vị).
Theo K.Marx, những chuẩn mực chủ yếu để phân chia giai cấp đó là những chuẩn mực về kinh tế. Đặc trưng hàng đầu để phân chia giai cấp là dấu hiệu khác nhau về quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất. Tiếp đó là các yếu tố như: quản lý, phân phối sản phẩm, quyền thống trị hay bị trị, sự chiếm đoạt tài sản hay bị chiếm đoạt tài sản.
Theo các nhà xã hội học, phân tầng xã hội có phạm vị rộng rãi hơn, nhiều chiều hơn, uyển chuyển hơn. Phân tầng xã hội không chỉ tính đến quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất mà còn tính đến địa vị kinh tế hay những yếu tố khác như: thu nhập, tài sản, mức độ tiêu dùng, quyền lực chính trị xã hội…
Như vậy, khái niệm phân tầng xã hội cho ta thấy rằng ngay trong một giai cấp cũng có thể khác nhau về địa vị kinh tế, quyền lực hay uy tín xã hội. Mặt khác cũng có thể tìm thấy những điểm chung về hoàn cảnh ở những người không cùng giai cấp với nhau. Ví dụ: Ngay ở giai cấp công nhân chúng ta cũng có thể chỉ ra được sự khác nhau về tài sản, hay uy tín giữa tầng lớp thợ bậc cao với thợ bậc thấp.
Phân tầng xã hội với phân hoá xã hội:
Có thể nói phân tầng xã hội thể hiện cả mặt “tĩnh” lẵn mặt “động” của sự bất bình đẳng xã hội.
Phân hoá xã hội thể hiện trạng thái “động”, đó là qúa trình mà một nhóm xã hội từ chỗ thuần nhất, đang bị phân chia thành những tầng lớp khác nhau (và có thể dẫn đến trái ngược nhau về mục tiêu, lợi ích, mức sống, các định hướng giá trị). Ví dụ: Nhóm xã hội là giới văn nghệ sỹ ở nước ta hiện nay có sự phân hoá rõ rệt những người theo dòng nhạc truyền thống rõ ràng đang có uy tín xã hội, mức thu nhập khác hẳn với những nhóm người theo dòng nhạc hiện đại.
Sự phân hoá xã hội có mặt tích cực là thúc đẩy tính năng động và chủ quan của cá nhân và nhóm xã hội nhỏ. Mặt khác có thể có những hậu quả tiêu cực gây ra sự bất bình đẳng xã hội và những căng thẳng xã hội mới.
Phân tầng xã hội và phân cực xã hội:
Phân cực xã hội là quá trình dẫn đến chỗ cá nhân hay nhóm xã hội phải đứng hẳn về cực này hay cực kia trong hoàn cảnh xung đột xã hội (có thể công khai hay ngấm ngầm).
Phân cực xã hội chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực tâm lý xã hội hay chính trị, tư tưởng.
Ví dụ : Trong chiến tranh Mỹ – Irắc, người Mỹ phải đứng trên hai cực, một là ủng hộ chiến tranh, hai là ủng hộ hoà bình.
Trong khi đó phân tầng xã hội là trạng thái biểu hiện của sự bất bình đẳng xã hội vốn có và là diễn tiến bình thường của cơ cấu xã hội.
Tóm lại, sự phân tầng xã hội có liên quan nhưng không đồng nhất với các khái niệm phân chia giai cấp, phân hoá xã hội và phân cực xã hội.
5. Một số cách lý giải khác nhau về phân tầng xã hội:
5.1 Lý thuyết chức năng:
Lý thuyết này cho rằng phân tầng xã hội và bất bình đẳng xã hội là hiện tượng phổ biến, tất yếu, không tránh được của xã hội bởi chúng thực hiện được một số chức năng cần thiết và tích cực nào đó của xã hội.
Nhờ có phân tầng xã hội mới đảm bảo được những địa vị quan trọng cho những người tài năng nhất đảm nhiệm một cách có ý thức. Lý thuyết này cho rằng trong một xã hội có một số địa vị quan trọng hơn những địa vị khác, do vậy xã hội phải thiết chế hoá sự bất bình đẳng về uy tín, quyền lực và thu nhập của mọi người.
Xét về mặt chức năng trong xã hội có những địa vị then chốt chỉ những người có kỹ năng đặc biệt mới đảm nhận được. Muốn thế người ta phải trải qua quá trình học tập, rèn luyện, hy sinh và cả những chi phí tốn kém về mặt tiền bạc, thời gian, công sức. Do đó, họ phải nhận được những lợi ích xứng đáng, gắn với địa vị khi họ được đảm nhận. Vì vậy xã hội phải có sự phân phối lợi ích bất bình đẳng, phù hợp với những thang bậc địa vị khác nhau.
5.2 Lý thuyết xung đột:
Lý thuyết này cho rằng phân tầng xã hội liên quan trực tiếo đến sự bất bình đẳng giai cấp (chủ yếu là sự sở hữu về tư liệu sản xuất).
Sự đấu tranh giai cấp nhằm xoá bỏ những mâu thuẫn, xung đột trong các quan hệ sở hữu, tạo điều kiện cho các quan hệ sản xuất phát triển. Đó mới chính là động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội trong xã hội có giai cấp.
Do đó, lý thuyết này phản đổi kịch liệt lý thuyết chức năng về phân tầng. Họ vạch rõ chính hệ thống phân tầng đã làm kìm hãm sự phát triển tài năng của những người ở tầng lớp dưới. Sự phân phối không đồng đều của cải trong xã hội phân tầng đã khiến cho kẻ có của được hưởng những cơ hội học hành, giáo dục để phát triển tài năng còn những người ở tầng lớp dưới phải chịu những thiệt thòi, bất lợi. Xã hội phân tầng sẽ tích tụ, làm gay gắt thêm những xung đột và bất bình xã hội. Đó là nguyên nhân của mọi cuộc khủng hoảng.
5.3 Lý thuyết dung hoà:
Theo M.Weber, sự phân tầng xã hội được phân chia dựa trên 3 yếu tố: kinh tế, quyền lực và uy tín xã hội. Ba yếu tố này có mối quan hệ mật thiết với nhau. Quyền lực kinh tế có thể được tạo nên từ những nền tảng khác như quyền lực chính trị hay địa vị xã hội. Lý thuyết này hiện nay đang được áp dụng phổ biến nhất khi phân tích hiện tượng phân tầng bởi lẽ nó có tính mềm dẻo, có cách tiếp cận trên nhiều chiều và phạm vi rộng hơn. Ở đây nhà xã hội học M.Weber đã không coi kinh tế là yếu tố duy nhất dẫn đến sự phân tầng như trong lý thuyết xung đột, cũng không nhấn mạnh tính tích cực của hiện tượng phân tầng như thuyết chức năng. Mà ông chủ yếu chỉ ra các yếu tố của sự phân tầng như một sự tất yếu.
6. Di động xã hội:
- Khái niệm: Di động xã hội là tính linh hoạt của cá nhân và các nhóm xã hội trong cơ cấu xã hội. Đó là sự chuyển đổi vị trí của một người hay một nhóm người sang một vị trí khác cùng tầng hay khác tầng với vị trí trước đó.
- Các loại hình di động xã hội:
+ Di động xã hội theo chiều ngang: Đó là sự dịch chuyển vị trí có thay đổi vai trò xã hội nhưng không thay đổi vị thế xã hội.
+ Di động theo chiều dọc: Sự thay đổi về chất ( thăng tiến hay sụt giảm địa vị xã hội) của một cá nhân hay một nhóm xã hội.
+ Di động xã hội trong cùng thế hệ: sự thay đổi nghề nghiệp , nơi cư ttú, địa vị của cá nhân (kinh tế, chính trị, xã hội) hay một số người trong suốt cuộc đời họ mà không phụ thuộc vào thế hệ trước hay sau họ.
+ Di động xã hội liên thế hệ: Sự thay đổi vị trí xã hội giữa các thế hệ ( thường so sánh giữa ba thế hệ: ông bà, cha mẹ, con cái).
- Những yếu tố ảnh hưởng đến di động xã hội:
+ Hoàn cảnh kinh tế nói chung và hoàn cảnh kinh tế đặc thù của mỗi địa phương.
+ Những yếu tố môi sinh: lịch sử văn hoá, địa lý nhân văn, không khí chính trị xã hội, phong tục tập quán, dòng họ, nếp sống, tôn giáo…
+ Những yếu tố cá nhân: Giai cấp, học vấn, nghề nghiệp, lứa tuổi, hình thức bề ngoài, khả năng. ..
+ Hôn nhân…
CÂU HỎI
1. Bất bình đẳng xã hội là gì? Những yếu tố nào tạo nên sự bất bình đẳng?
2. Thông qua các chỉ báo, con số thống kê ở các lĩnh vực trong đời sống xã hội nước ta, hãy nhận xét hiện tượng bất bình đẳng ở Việt Nam?
3. Phân tầng xã hội là gì?
4. Những nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng phân tầng xã hội?
5. Trình bày mô hình hệ thống phân tầng?
6. Phân biệt phân tầng xã hội với các khái niệm khác như: Phân hoá xã hội, phân cực xã hội, phân chia giai cấp?
7. Lý thuyết chức năng về sự phân tầng?
8. Lý thuyết xung đột về sự phân tầng?
9. Lý thuyết dung hoà về sự phân tầng?
10. Nhận xét về thực trạng phân tầng trong xã hội Việt Nam?
11. Thế nào là di động xã hội? Phân loại di động xã hội? Những yếu tố nào ảnh hưởng đến di động xã hội?
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Xã hội học, T.Schaefer, Biên dịch Huỳnh Văn Thanh, NXB Thống Kê, 2003.
2. Xã hội học nhập môn, Tony Bilton và những người khác, NXB Khoa học xã hội, 1993.
3. Xã hội học, Phạm Tất Dong & Lê Ngọc Hùng, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 1997.
4. Xã hội học đại cương, Phan Trọng Ngọ (chủ biên), NXB Chính trị Quốc Gia, Hà Nội 1997.
5. Tạp chí xã hội học số 1,2,3,4 năm 2004.